image banner
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động báo chí hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là một cây bút xuất sắc, nhà báo lỗi lạc. Tư tưởng của Người về báo chí nói chung, tự do báo chí nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.
Từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo (L’humanite’) ngày 18-6-1919, đến ngày 21-6-1925, tờ báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra số đầu tiên là điểm mốc đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tiền thân của dòng báo chí vô sản sau này. Tính từ ngày 18-6-1919, cho đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời, để lại hơn 2.000 bài báo với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước và hòa bình thế giới.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho Nhân dân. Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng.
anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

 

Đối với những người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Nhà báo trước hết là người cán bộ cách mạng, gắn cuộc đời mình với dân tộc, trung với Đảng, với nhân dân. Người đã nhiều lần nhấn mạnh đến tư cách chiến sĩ của nhà báo: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"; "Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc…, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hoà bình thế giới". Để hoàn thành nhiệm vụ là người chiến sĩ cách mạng vẻ vang đó, Người yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Bác khuyên các nhà báo: "Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công". Theo Người, quần chúng nhân dân với tư cách là đối tượng phục vụ của báo chí phải có mặt ở hầu hết các khâu của quy trình hoạt động báo chí: là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí, đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí. Về nội dung phản ánh của báo chí cách mạng, Người nhấn mạnh: "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội". Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. Người căn dặn: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được".

Viết về kẻ địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng lối văn châm biếm ý nhị nhưng ý tứ sâu xa, sắc sảo, thông minh đến kỳ lạ; văn phòng vừa có tính chất báo chí, vừa có tính chất nghệ thuật văn chương. Viết cho quần chúng nhân dân, Người dùng lời văn nôm na, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân tộc, diễn đạt theo cách nói, cách nghĩ, cách cảm của quần chúng.

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (8/9/1962). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây và chống luôn là hai mặt của một vấn đề, phải lấy xây để chống, chống để xây, trong đó xây dựng là cái cơ bản nhất. Do đó, viết báo là để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta, nhưng đồng thời, cũng để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của Nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, thật thà, chân thành, chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền. Nếu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại.

Mỗi bài báo của Người đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng, đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc, mang cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Do đó, tư tưởng của Người, dù là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại đều được truyền đạt một cách thấm thía, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Nhờ thông tin báo chí kịp thời, nhanh chóng với những cứ liệu được khảo sát, điều tra tỉ mỉ, lý lẽ xác đáng đầy thuyết phục và tình cảm chân thành, thiết tha đi vào lòng người, báo chí cách mạng đã góp phần vạch trần tội ác của kẻ thù xâm lược, kêu gọi sự ủng hộ, đoàn kết của các dân tộc bị áp bức, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới với những phong trào “phản chiến” được hình thành và phát triển mạnh mẽ ngay trong lòng các nước thực dân, đế quốc.

Ở trong nước, trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn, báo chí cách mạng đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng, làm sáng tỏ mục tiêu cách mạng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, từ đó thức tỉnh và hiệu triệu cả dân tộc đứng lên làm cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng của phong cách báo chí Hồ Chí Minh với cách diễn đạt trong sáng, giản dị mà hàm súc, kết cấu bài viết chặt chẽ và gọn gàng, thông tin thời sự và xác thực… cốt để quần chúng hiểu ngay và làm được, nắm cái thần của sự vật, đi ngay vào cái cốt lõi của vấn đề, đã được những người làm báo học hỏi và vận dụng thành công trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng đất nước.

Bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, báo chí cách mạng tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, giúp Nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin một chiều, xuyên tạc, thù địch; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ và thiện cảm của bạn bè thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

anh tin bai

Bác Hồ gặp mặt các phóng viên báo Thanh niên, tiền thân báo chí cách mạng Việt nam trong những ngày đầu thành lập

Thực hiện lời dạy của Người, báo chí trong những năm qua đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Với sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của đội ngũ người làm báo, của hàng trăm cơ quan báo chí trên nhiều thể loại, đa dạng về ấn phẩm, nội dung thông tin báo chí cũng ngày càng hấp dẫn, sinh động, phong phú, phản ánh đầy đủ, kịp thời và toàn diện những vấn đề trong và ngoài nước.

Quán triệt tư tưởng phê bình, xây và chống trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng đã thực sự là ngọn cờ tiên phong đi đầu, biểu dương cái mới, cái tốt, những nhân tố tích cực và phê phán mạnh mẽ cái sai, cái xấu, cái cũ, những nhân tố tiêu cực,… Báo chí đã đi sâu vào thực tế, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phát hiện những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích chân chính của dân tộc, phanh phui các vụ, việc tiêu cực, tình trạng lãng phí, tham nhũng, lạm quyền…

Báo chí cũng góp phần không nhỏ phản ánh sinh động thực tiễn và quan điểm của các tầng lớp nhân dân, giúp Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, học tập sáng tạo cách viết và phong cách báo chí Hồ Chí Minh, đội ngũ những người làm báo Việt Nam trong 97 năm qua không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua năm tháng. Nhiều nhà báo không ngại khó khăn, thử thách, sẵn sàng xung kích đi đầu trong việc thông tin, cung cấp sự kiện cho công chúng, định hướng dư luận xã hội, vạch ra những hiện tượng, những vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả chức năng thông tin, phản biện xã hội của báo chí.

Trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều thay đổi, khi internet phổ biến toàn cầu, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhiễu và loạn thông tin, loại bỏ những nguy cơ có thể gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề không chỉ cho đời sống xã hội mà thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc và chế độ chính trị của đất nước.

Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị nhưng trong từng cơ quan báo chí, từng bài viết cần có sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt.

Những cuộc khủng hoảng thông tin gần đây cho thấy, dù báo chí chính thống đã nhanh chóng định hướng dư luận bằng những chứng cứ, lý lẽ xác đáng trước cơn bão thông tin đa chiều, nhưng vẫn còn đó những tòa soạn báo vị lợi, thiếu trách nhiệm, đạo đức cần có của người làm báo. Vì vậy, trong thời đại ngày nay, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, hấp dẫn và sáng tạo nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thông tin thụ động, ngồi chờ hoặc đi theo sau hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin, làm chậm cơ hội chiếm lĩnh trận địa thông tin.
Lấy tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, có thể thấy, những di sản báo chí của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ khi ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã cùng với phong trào cách mạng của nhân dân ta trước Cách mạng Tháng Tám trải qua bao giai đoạn thăng trầm, lúc cao trào dâng lên cũng như lúc phong trào tạm thời lắng xuống. Sau năm 1945 điều kiện nhìn chung có thuận lợi hơn so với thời hoạt động bí mật song vẫn không tránh khỏi tác động trực tiếp của thời cuộc. Trong mọi hoàn cảnh, nó vẫn trước sau giữ được trọn vẹn, nhất quán tính cách mạng để tiếp tục phát triển không ngừng. Từ năm 1986 khi Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng Việt Nam lại được bổ sung động lực để phát triển toàn diện mạnh mẽ. Tính đến tháng 11/2021, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí với đủ các loại hình, hơn 17 nghìn phóng viên, biên tập viên. Báo chí Việt Nam đã vươn lên sánh vai cùng báo chí các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là yếu tố tiên quyết để bảo đảm tự do báo chí, để nền báo chí cách mạng nước ta luôn thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích của mình là “phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của mỗi người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí. Thường xuyên giám sát, kiểm tra các tổ chức Đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, quản lý báo chí về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Nâng cao văn hoá chính trị, văn hoá đảng và văn hoá giao tiếp trên báo chí. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025./.
 

Tác giả bài viết: Anh Đức

Nguồn: https://tinhuybinhphuoc.vn/

Thông tin mới nhất
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0

THÀNH ỦY ĐỒNG XOÀI

 Địa chỉ: Số 1379 đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Điện thoại: 02713 860017

Chịu trách nhiệm nội dung: Văn phòng Thành ủy

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước