Thành phố Đồng Xoài – Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh
Với vị thế là trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Phước,
thành phố Đồng Xoài xác định chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương. Mục tiêu đến năm 2025: các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn
ra trên không gian mạng, hoàn thiện nền tảng dữ liệu số, cung cấp 100% dịch vụ
công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị thông minh và sử dụng hồ sơ đã được số
hóa để giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu kinh tế số chiếm
20% GRDP thành phố.
Hệ thống nền tảng số tích hợp về IOC Đồng Xoài (Nguồn:
www.dongxoai.gov.vn)
Để tạo sự đồng thuận trong nhận thức, hành động và sự
vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố
trong triển khai thực hiện chuyển đổi số, Thành ủy Đồng Xoài đã ban hành Chương
trình hành động số 08-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về
chuyển đổi số; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về triển khai, thực
hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục
vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, đồng thời
ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan, đơn vị, xã, phường thực hiện nghiên các
mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai thực
hiện cụ thể.
Xác định hạ tầng số nền tảng để thực hiện chuyển đổi số,
thành phố đã đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, thiết lập mạng LAN, kết nối Internet,
mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đến nay 100%
cán bộ, công chức thành phố và xã, phường được trang bị máy vi tính, kết nối
internet để giải quyết công việc; phòng họp trực tuyến được kết nối liên thông
3 cấp (tỉnh, thành phố, xã/phường); Trang thông tin điện tử của 08/08 xã, phường
và một số phòng chuyên môn được tích hợp kết nối trên cổng Thông tin điện tử
thành phố.
Hiện nay, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Đồng Xoài (IOC)
được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, kết nối, chia sẻ các hệ thống gồm: camera
an ninh giao thông, phản ánh hiện trường, giám sát điều hành kinh tế - xã hội,
giám sát dịch vụ công, hệ thống giáo dục, y tế, đèn đô thị thông minh và
hệ thống thông tin địa lý GIS, trong tương lai sẽ là công cụ quan trọng để quản
lý quy hoạch, hạ tầng đô thị và mở rộng các lĩnh vực khác phục vụ công tác quản
lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Năm 2022, thành phố được trao
giải thưởng “Thành phố điều hành, quản lý thông minh” do Hiệp hội phần mềm và dịch
vụ Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức.
Chủ tịch UBND thành phố
Đồng Xoài đón nhận giải thưởng Thành phố thông minh năm 2022 (Nguồn: www.dongxoai.gov.vn)
Cùng với xây dựng hạ tầng số, thành phố đã tích cực thực
hiện các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh, nhất là việc rà soát dữ
liệu dân cư, mã định danh cá nhân cho công dân, xác thực điện tử nhằm đảm bảo
cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, thành phố đã cập nhật trên hệ thống
phần mềm dịch vụ công trực tuyến gồm 355 thủ tục, trong đó 67 thủ tục ở mức độ
2; 148 thủ tục ở mức độ 3; 140 thủ tục ở mức độ 4; 100% các cơ quan, đơn vị được
cấp tài khoản thư điện tử công vụ; đăng ký cấp chứng thư số; ứng dụng chữ ký số
cá nhân, ký số vào gửi nhận văn bản; việc quản lý, phát hành, trao đổi các văn
bản hành chính 100% được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản có quy định
chế độ mật); việc tổ chức các cuộc họp được thực hiện qua phần mềm “họp không
giấy” đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai
sót trong sắp xếp tài liệu, chất lượng thảo luận, giải quyết công việc được nâng
cao.
Việc thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trong giải quyết
TTHC tại bộ phận một cửa thành phố, việc trả lương, thanh toán không dùng tiền
mặt được triển khai thực hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa
bàn thành phố, đã góp phần thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch (thuế,
điện nước, các khoản thu phí...) từ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chuyển
sang thanh toán trên ứng dụng của các ngân hàng thương mại, đơn vị viễn thông...
Hiện nay, các trường học của thành phố cũng đã thực hiện tuyển sinh trực tuyến,
quản lý hồ sơ điện tử và ký số đối với cấp Tiểu học, THCS; Thiết kế bài giảng
và dạy học trên nền tảng công nghệ số; thanh toán không dùng tiền mặt để thực
hiện thu tiền học và các khoản thu khác. Năm 2022, thành phố chọn 02 tuyến phố
thực hiện thí điểm tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt (đường Hùng
Vương và đường Lê Duẩn); phối hợp với Sở Công thương lần đầu tiên tổ chức phiên
chợ không dùng tiền mặt, với 30 gian hàng tiêu chuẩn thuộc 25 đơn vị tham gia.
Các hoạt động này từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người dân từ thanh
toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực
hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn còn một số khó khăn
về hạ tầng CNTT được đầu tư nâng cấp có mặt chưa đồng bộ, cơ sở dữ liệu về đất
đai, quy hoạch… chưa hoàn thiện nên khó khăn trong tra cứu, giải quyết TTHC, nguồn
nhân lực CNTT còn thiếu chưa đáp ứng tốt các yêu cầu chuyển đổi số trên tất cả
lĩnh vực; một bộ phận nhân dân còn chưa có điều kiện về thiết bị thông minh, chưa
có kỹ năng sử dụng các dịch vụ số, cần tiếp tục có sự hỗ trợ của lực lượng tình
nguyện viên trong tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng các dịch
vụ công trực tuyến, tiếp cận công nghệ số… Mặt khác giao diện khai báo thông
tin, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh có một số thủ tục phức tạp,
xử lý chậm cần có sự điều chỉnh, nâng cấp cho phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số
hiện nay.
Để sớm đạt được các mục tiêu theo Chương trình hành động
số 08-CTr/TU, năm 2023 thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển
ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc
gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày
24/02/2023 của UBND tỉnh về chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin trên địa
bàn tỉnh Bình Phước năm 2023. Hướng dẫn người dân đăng ký mã định danh cá nhân
trên Hệ thống phần mềm Dữ liệu dân cư quốc gia. Thực hiện 50 chỉ số đô thị
thông minh, trang bị chứng thư số, duy trì tỷ lệ hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 nộp
trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận đạt 100%. Đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp với
sở, ngành tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng CNTT để
quản lý doanh nghiệp, quản lý quy trình sản xuất, xây dựng hình ảnh, tham gia
vào hệ thống thương mại điện tử. Hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử, đô
thị thông minh, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi
số của tỉnh.
AN NHIÊN